Những bệnh truyền nhiễm bà bầu dễ mắc phải
Rất nhiều phụ nữ gặp vấn đề sức khỏe khi mang thai, những biến chứng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Ngay cả những phụ nữ khỏe mạnh trước khi mang thai cũng có thể gặp biến chứng do bệnh lý thai kỳ. Có kiến thức và biện pháp phòng ngừa các bệnh lý thai kỳ trước khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh này và biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dưới đây là danh sách những bệnh truyền nhiễm bà bầu dễ mắc phải theo Cẩm nang lần đầu làm mẹ và nuôi con do Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế phát hành.
Nhiễm Rubella
Cần đặc biệt chú ý việc nhiễm bệnh khi mang thai dưới 20 tuần vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên. Bệnh có khuynh hướng lây lan rộng từ đầu mùa xuân đến đầu mùa hè. Sốt phát ban, sưng hạch, đau khớp là những triệu chứng đặc trưng. Triệu chứng sốt phát ban kéo dài 3 ngày là hết nên còn có tên gọi là bệnh sởi 3 ngày.
Việc lây nhiễm kể từ tuần thứ 20 trở đi không cần lo lắng, nhưng nếu nhiễm bệnh ở giai đoạn sớm của thai kỳ thì cần lưu ý vì virus có thể lây qua bánh nhau (đặc biệt khi mẹ nhiễm bệnh khoảng trước tuần thai thứ 16). Nếu thai nhi bị nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây ra những dị tật như bệnh tim, đục thủy tinh thể, điếc, bệnh glaucome (hội chứng Rubella bẩm sinh). Để phòng tránh bị nhiễm bệnh này, bạn nên đi tiêm chủng phòng ngừa từ trước khi mang thai. Trong quá trình mang thai nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi nhiễm cũng nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nhiễm virus viêm gan B
Viêm gan B là bệnh gây ra do virus viêm gan B (HBV), có thể phát triển thành xơ gan rồi đến ung thư gan. Khi biết bà bầu bị nhiễm virus viêm gan B thì phải thực hiện ngay các biện pháp dự phòng lây truyền virus này từ mẹ sang con.
Vào giai đoạn đầu của thai kỳ, bà bầu cần được kiểm tra có hay không nhiễm HBV bằng xét nghiệm máu. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kháng nguyên Hbe để xác định mức độ lây nhiễm sang cho thai nhi và điều trị dự phòng nếu cần.
HBV còn có thể lây sang thai nhi qua đường máu lúc sinh, vì vậy sau khi sinh xong nếu mẹ có mang HBV thì trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin viêm gan B và 1 mũi globulin miễn dịch trong vòng 24 giờ sau sanh.
Nhiễm cúm (Influenza)
Nhiễm cúm dễ bị nặng hơn khi mang thai nên cần chú ý các biện pháp dự phòng. Virus cúm không lây truyền từ mẹ sang con, nhưng nếu mẹ bị cúm nặng thì có thể ảnh hưởng xấu lên thai nhi.
Nhiễm HIV/AIDS
HIV là loại virus có thể lây truyền từ mẹ sang con qua đường sinh dục, dịch tiết âm đạo và máu. Để phát hiện sớm, các bà mẹ khi mang thai sẽ được tư vấn làm xét nghiệm HIV để xác định xem có bị lây nhiễm virus này hay không và để được điều trị dự phòng sớm. Hiện nay, việc điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể làm giảm khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%.
Phác đồ hiện nay được khuyến cáo là sử dụng thuốc ARV cho bà bầu ngay từ khi được phát hiện nhiễm HIV. Do vậy, nếu nghi ngờ hoặc biết mình nhiễm HIV, bạn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn phù hợp về điều trị dự phòng, cách sinh và cách nuôi con. Sau sinh em bé cũng sẽ được uống thuốc ARV cho đến khi làm xét nghiệm để khẳng định tình trạng nhiễm HIV.
COVID và nhiễm SARS-COV-2
Cho đến nay chưa có thông tin khoa học nào chứng minh, virus Corona có khả năng lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai. Tuy nhiên khi mắc bệnh thì sức đề kháng của cơ thể suy giảm mạnh sẽ dẫn đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh,…
Trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con, thai phụ vẫn cần duy trì khám thai định kỳ. Tuy nhiên để giảm thiểu khả năng lây nhiễm, thai phụ nên gọi điện đặt lịch khám để giảm thời gian chờ và tránh tiếp xúc với nhiều người. Khi đến khám tại cơ sở y tế thì thực hiện khai báo y tế, đồng thời bắt buộc phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2m. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần tự cách ly đồng thời thông báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Trường hợp thai phụ nghi nhiễm/nhiễm COVID-19 khi đến sinh tại các cơ sở y tế sẽ được điều trị tại khu vực cách ly riêng, được ưu tiên điều trị Covid và được can thiệp sản khoa kịp thời. Sau sinh, bà mẹ sẽ được tư vấn về dinh dưỡng cho con: nếu nuôi bằng sữa mẹ, người mẹ có thể cho con bú trực tiếp sau khi đã vệ sinh bầu ngực sạch sẽ, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, hoặc có thể vắt sữa cho trẻ ăn, thực hành các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong quá trình vắt sữa như rửa tay, đeo khẩu trang, làm sạch dụng cụ hút sữa,… Nếu bà mẹ lựa chọn không nuôi con bằng sữa mẹ có thể sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ hoặc cán bộ y tế hướng dẫn pha sữa công thức và cho trẻ ăn đúng cách. Rửa tay thường xuyên đặc biệt trước khi cho trẻ bú, trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu Covid-19 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế(, Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế), phát hiện sớm và cách ly ca bệnh và tiêm phòng vắc xin.